Hướng dẫn cách phân tích dòng tiền trong doanh nghiệp

134

Dòng tiền và các khoản tương đương tiền là một trong những tài sản quan trọng của doanh nghiệp bởi tính thanh khoản cao.

Điểm khởi đầu và kết thúc của một chu kỳ kinh doanh cũng chính là tiền và các khoản tương đương tiền.

Phân tích dòng tiền mang nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh mà còn tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy phân tích dòng tiền trong doanh nghiệp như thế nào? Cùng Tài chính số tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

phan tich dong tien doanh nghiep

1. Vì sao dòng tiền doanh nghiệp lại quan trọng?

Dòng tiền của một doanh nghiệp cho chúng ta biết về khả năng sinh tiền của doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có thể làm ăn có lãi, có khả năng sinh ra lợi nhuận cao nhưng không có tiền, thậm chí là mất khả năng thanh toán và dẫn tới phá sản.

Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận nhưng do công ty bán thì ít, mua thì nhiều hoặc tồn đọng nợ phải thu khiến cho doanh nghiệp thiếu tiền, phải đi vay.

Nắm bắt được dòng tiền, doanh nghiệp có thể thực hiện một số công việc như sau:

  • Lên kế hoạch kinh doanh, đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, mua mới các trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh sản xuất, nắm bắt cơ hội thị trường.
  • Có khả năng chi trả nợ, cổ tức và khả năng thanh toán

2. Ý nghĩa của phân tích dòng tiền

Ý nghĩa của phân tích dòng tiền doanh nghiệp thể hiện qua các ý sau:

  • Giúp nhà phân tích đánh giá được khả năng thanh toán, chi trả cổ tức, năng lực kinh doanh và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp
  • Có thể thông qua dòng tiền đánh giá về chất lượng của các khoản thu nhập và các luồng tiền liên quan.
  • Nắm được tình trạng dòng tiền thuần của doanh nghiệp để thanh toán các chi phí như tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân công, thanh toán cho nhà cung cấp, chi trả gốc và lãi vay.

Tóm lại, việc phân tích dòng tiền doanh nghiệp có thể cho nhà phân tích nắm được thông tin về mục đích sử dụng của dòng tiền cũng như xu hướng chuyển dịch của nó. Từ đó có thể dự đoán lượng tiền trong tương lai, khả năng thanh toán và mức lãi/lỗ.

Ngoài ra, dòng tiền cũng cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về lý do doanh nghiệp tuy làm ăn có lãi nhưng lại thiếu khả năng chi trả nợ lương, tiền thuế và nguy cơ bị phá sản.

3. Các nội dung của phân tích dòng tiền doanh nghiệp

Với những ý nghĩa phía trên đây của phân tích dòng tiền, chúng sẽ hướng tới các nội dung phân tích chủ yếu như sau:

  • Đánh giá khái quát về biến động dòng tiền
  • Phân tích xu hướng cũng như các nhịp biến động của dòng tiền
  • Phân tích về cơ cấu dòng tiền thuần
  • Phân tích dòng tiền vào và dòng tiền ra
  • Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền doanh nghiệp
  • Phân tích về mối quan hệ giữa dòng tiền và các thành phần tài chính khác của doanh nghiệp.

4. Phân tích dòng tiền của doanh nghiệp

Để biết được khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp, chúng ta cần phân tích về dòng tiền vào và dòng tiền ra của doanh nghiệp.

4.1 Phân tích dòng tiền vào

Dòng tiền vào từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính cho chúng ta biết khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp.

Để phân tích dòng tiền vào, chúng ta cần xem xét kỹ về các yếu tố sau:

  • Quy mô, tốc độ và cơ cấu cũng như xu hướng biến động của dòng tiền.
  • Dòng tiền từ các hoạt động nào chiếm tỷ trọng lớn chứng chỉ khả năng tạo ra tiền của hoạt động đó.

Cách phân tích dòng tiền vào:

  • Thực hiện tính tỷ trọng từng dòng tiền từ các hoạt động và so sánh, nhà phân tích có thể xác định được khả tăng tạo ra tiền từ hoạt động nào là là chính:

Tỷ trọng từng dòng tiền = (Trị số từng dòng tiền/Tổng số dòng tiền trong kỳ)x100

  • Nếu tỷ trọng dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh lớn: Cho thấy lượng tiền của doanh nghiệp chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh. Đây được cho là tín hiệu khá tích cực cho thấy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và có khả năng đảm bảo các khoản thanh toán.
  • Nếu tỷ trọng dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư lớn: Cho thấy doanh thu đã thu hồi được các khoản đầu tư, nhượng bán bất động sản. Trong trường hợp này nếu dòng tiền là từ thu lãi hoạt động đầu tư thì đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên nếu tiền do nhượng bán tài sản cố định hay do thu hồi các khoản đầu tư tài chính gốc thì có thể doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thanh toán, buộc phải thu hồi đầu tư.
  • Nếu dòng tiền vào từ hoạt động tài chính lớn và chủ yếu đến từ phát hành cổ phiếu hoặc nhận vốn góp chủ sở hữu, đi vay cho thấy doanh nghiệp đang huy động tiền từ bên ngoài nhiều.

Thông qua phân tích dòng tiền vào, chúng ta có thể thấy được tổng quan về sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền không đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh có nghĩa doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong kinh doanh.

4.2 Phân tích dòng tiền ra

Dòng tiền ra từ các hoạt động của doanh nghiệp cho biết cách doanh nghiệp sử dụng tiền ra sao. Tương tự dòng tiền vào, chúng ta cũng phân tích dòng tiền ra với hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

Tỷ trọng từng dòng tiền ra từ các hoạt động = (Trị số từng dòng tiền ra từ các hoạt động/Tổng số dòng tiền ra trong kỳ)x100

  • Nếu tỷ trọng dòng tiền ra của hoạt động kinh doanh cao cho thấy dòng tiền của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua chi phí mua vật thu, hàng hóa và dịch vụ, chi trả người lao động, lãi vay và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là một dấu hiệu tốt.
  • Nếu tỷ trọng dòng tiền ra của hoạt động đầu tư cao, chúng ta cần tìm hiểu chi tiết từng khoản. Cụ thể nếu doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, tăng cường mở rộng kinh doanh thì là một tín hiệu rất tốt. Ngược lại nếu doanh nghiệp sử dụng tiền để cho vay hoặc chi trả mua công cụ nợ của các đơn vị khác như trái phiếu, tín phiếu vì mục đích đầu tư trong kỳ chứ không phải thương mại sẽ cần phải xem xét thị trường chứng khoán và tình hình kinh doanh của các đơn vị phát hành để đánh giá.
  • Nếu tỷ trọng dòng tiền ra của hoạt động tài chính cao, rất có thể doanh nghiệp đang dư thừa vốn hay kinh doanh gặp vấn đề, cần thu hẹp hoặc đến hạn thanh toán các khoản vay nợ.