Thuế bảo vệ môi trường là gì? Các sản phẩm phải chịu thuế BVMT

123

Trong thời đại hiện nay, bảo vệ môi trường trở thành một trong những vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, các quốc gia cần có những chính sách và biện pháp hợp lý để hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Một trong những biện pháp được áp dụng phổ biến đó là thuế bảo vệ môi trường. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về khái niệm và vai trò của thuế bảo vệ môi trường.

1. Thuế bảo vệ môi trường là gì?

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường (Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường).

thue bao ve moi truong

Thuế bảo vệ môi trường được ban hành luật có vai trò hết sức quan trong trong môi trường kinh doanh ở nước ta. Nó tạo ra khung pháp lý, điều chỉnh một cách ổn định toàn diện các hành vi có tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời khắc phục các hạn chế trong chính sách thu trước đây.

Đây cũng là nguồn thu quan trọng để bù đắp chi phí bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển xanh, bên cạnh đó đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế đề ra.

2. 8 nhóm sản phẩm chịu thuế bảo vệ môi trường

Theo Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường, 8 nhóm hàng hóa dưới đây phải chịu thuế bảo vệ môi trường, bao gồm:

  1. Xăng, dầu, mỡ, bao gồm: Xăng (trừ etanol), nhiên liệu máy bay phản lực, dầu diesel, dầu hỏa, dầu nhiên liệu, chất bôi trơn và dầu mỡ.
  2. Than đá bao gồm: Than non, than đá antraxit, than mỡ và các loại than khác.
  3. Dung dịch HCFC (hydro-chloro-fluoro-carbon)
  4. Túi ni lông
  5. Thuốc diệt cỏ
  6. Thuốc diệt mối
  7. Chất bảo quản lâm sản
  8. Thuốc khử trùng kho

Trên thực tế, các sản phẩm trên khi được sử dụng sẽ có ảnh hưởng xấu đến môi trường theo từng cấp độ khác nhau và do vậy chúng có thể bị đánh thuế bảo vệ môi trường.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội như hiện nay, nhiều hàng hóa gây ô nhiễm môi trường không phải chịu thuế bảo vệ môi trường mà chỉ áp dụng theo các nguyên tắc sau:

  • Chúng phải là sản phẩm được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, việc sử dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
  • Việc xác định các hàng hóa tuân thủ các cam kết quốc tế giữa Việt Nam và thông lệ quốc tế.
  • Luật Thuế bảo vệ môi trường đưa ra một loại thuế mới, phức tạp nên để đảm bảo hiệu lực thi hành cần xác định rõ các loại sản phẩm này để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, hài hòa với phát triển kinh tế, tránh tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng xuất khẩu.

Bởi vậy, Luật chỉ đánh thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm nêu trên mà việc sử dụng có thể gây ô nhiễm trên diện rộng.

3. Các trường hợp không phải chịu thuế bảo vệ môi trường

Đối tượng chịu thuế không được sử dụng tại Việt Nam thì không phải nộp thuế. Theo đó, hàng hóa được quy định tại Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ không bị đánh thuế nếu là hàng hóa:

  • Quá cảnh, chuyển khẩu từ cửa khẩu, biên giới Việt Nam
  • Tạm nhập, tái xuất trong thời hạn do pháp luật quy định.
  • Do người sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc theo ủy thác của người sản xuất, trừ hàng hóa mua để xuất khẩu.

4. Mức thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường được đánh dựa trên số lượng hàng hóa chịu thuế và mức thuế cụ thể.

Định lượng hàng hóa tính thuế được quy định cho từng loại hàng hóa để phù hợp với đặc điểm sản xuất, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế và tiết kiệm chi phí quản lý thuế.

Theo Điều 6 Luật Thuế bảo vệ môi trường:

  • Các sản phẩm được sản xuất trong nước có số lượng tính thuế là số lượng sản phẩm bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng.
  • Các sản phẩm nhập khẩu, số lượng tính thuế là số lượng sản phẩm nhập khẩu.

5. Kê khai, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường

Do pháp luật quản lý thuế hiện hành chưa xử lý đầy đủ về thuế bảo vệ môi trường nên để tránh vướng mắc trong quá trình thực thi, Luật thuế bảo vệ môi trường có một số quy định về quản lý thuế liên quan đến việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế.

Để phù hợp với đặc điểm của từng loại sản phẩm và thuận lợi cho công tác quản lý thuế, thời điểm tính thuế được xác định đối với từng nhóm sản phẩm.

Việc kê khai, tính, nộp thuế đối với hàng hoá sản xuất ra để bán, trao đổi, tiêu dùng, biếu, tặng được thực hiện hàng tháng. Đối với hàng hóa nhập khẩu, việc kê khai, tính, nộp thuế bảo vệ môi trường được thực hiện đồng thời với việc kê khai, nộp thuế nhập khẩu. Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu nên việc hoàn thuế cũng tương tự như các loại thuế gián thu khác. Theo Điều 11, các trường hợp được hoàn thuế bảo vệ môi trường bao gồm:

1. Hàng hóa nhập khẩu còn tồn đọng trong kho, bãi tựa cửa khẩu, chịu sự giám sát của hải quan, sau đó tái xuất ra nước ngoài.

2. Hàng hóa nhập khẩu để chuyển nhượng hoặc bán cho đối tác nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; xăng dầu bán cho phương tiện vận tải hãng nước ngoài đi tuyến qua cảng Việt Nam hoặc cho phương tiện vận tải của Việt Nam đi đường quốc tế theo quy định của pháp luật.

3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập – tái xuất theo phương thức kinh doanh tạm nhập – tái xuất.

4. Hàng hóa nhập khẩu được nhà nhập khẩu tái xuất ra nước ngoài.

5. Hàng hóa tạm nhập để trưng bày, bán tại hội chợ, triển lãm theo quy định của pháp luật, sau đó tái xuất ra nước ngoài.

Như vậy, thuế bảo vệ môi trường là một công cụ quan trọng trong việc hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Thông qua việc áp đặt thuế, chính phủ có thể tạo ra nguồn thu ngân sách và đồng thời động viên các doanh nghiệp chuyển đổi sang các mô hình sản xuất sạch hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất của thuế bảo vệ môi trường, cần có sự hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Chính vì thế, các quốc gia cần đưa ra những chính sách phù hợp để đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố này, góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho nhân loại và hệ sinh thái.